Trung Quốc, Thái Lan đều từng dùng đầu tư công để chống suy giảm kinh tế, Việt Nam có đứng trước cơ hội tương tự trong 2023?

14/02/2023 224 lượt xem

Với Việt Nam, đầu tư công năm nay được kỳ vọng giúp tăng trưởng kinh tế tích cực hơn sau năm 2022 nhiều khó khăn.

Đầu tư song hành cùng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, Thái Lan
Đầu tư cơ sở hạ tầng tạo ra tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng kinh tế, lại thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng. Vì thế, đầu tư công là một trong những giải pháp chống suy giảm kinh tế được nhiều quốc gia sử dụng.
 
Một trong những câu chuyện nổi bật phải kể đến Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hồi tháng 8 năm ngoái đã quyết định cấp bổ sung 300 tỷ nhân dân tệ cho các ngân hàng chính sách quốc gia, để rót vào dự án cơ sở hạ tầng. Gói này nằm trong gói chính sách gồm 19 điểm, có quy mô 1.000 tỷ nhân dân tệ (146 tỷ USD) để Trung Quốc kích thích tăng trưởng, đồng thời kìm hãm tác động của phong tỏa và khủng hoảng bất động sản. 
 
Giai đoạn 2008-2009, đầu tư công của Trung Quốc tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là đường sắt cao tốc. Thực tế Trung Quốc đã đặt mục tiêu phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc từ năm 1997 với mục tiêu đưa vận tốc tàu chạy trung bình lên 70 km/h. 
 
Đến nay, đã có gần 37.900 km đường sắt cao tốc tỏa khắp đất nước Trung Quốc, kết nối toàn bộ các cụm siêu đô thị quan trọng, đáng chú ý, một nửa số này được hoàn thành trong 5 năm qua. Theo kế hoạch, dự kiến đến năm 2035, mạng lưới đường sắt cao tốc tại nước này sẽ tăng lên 70.000 km.
 
Từ năm 2013 đến 2015, Trung Quốc lại tập trung đầu tư hạ tầng đô thị, cụ thể như xây dựng và bảo trì đường, mạng lưới cấp nước và các công trình thoát nước.
 
Đến năm 2015 đến 2019, cơ sở hạ tầng giao thông được Trung Quốc ưu tiên trở lại, nhưng tập trung hơn vào hệ thống giao thông huyết mạch và mạng lưới kho bãi, nhằm đáp ứng nhu cầu về sự bùng nổ thương mại điện tử.
 
Giai đoạn 2020-2025, Trung Quốc bắt đầu mở rộng lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng cho công nghệ cao. 
 
Trong khi đó, Thái Lan - nước cùng khu vực Đông Nam Á với Việt Nam cũng tập trung phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng nhằm cải thiện các hoạt động thương mại và sản xuất tại Thái Lan trong các giai đoạn. Ví dụ như giai đoạn 2010-2012, nước này đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hệ thống vận tải, kho bãi. Đến năm 2012-2014, đầu tư phát triển thêm cơ sở hạ tầng giao thông đường sắt cao tố và hệ thống vận tải kho bãi. 
 
Giai đoạn 2015-2019, Thái Lan tập trung phát triển hệ thống phương tiện giao thông công cộng, tuyến đường cao tốc kết nối các trung tâm sản xuất với các quốc gia lân cận.
 
Nói về mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và đầu tư công, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) tổng hợp số liệu từ Bloomberg cho thấy đầu tư song hành cùng tốc độ tăng trưởng GDP tại Trung Quốc và Thái Lan giai đoạn 2001 - 2019. Ngoài ra, đầu tư công có tác động tích cực khi chính phủ tập trung nâng cấp những hệ thống hạ tầng quan trọng và điểm nối giao thông huyết mạch của quốc gia.
 
Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh cần bao nhiêu đồng vốn đầu tư thực hiện tăng thêm để tăng thêm 1 đồng tổng sản phẩm trong nước (GDP). Nếu hệ số ICOR thấp, chứng tỏ đầu tư có hiệu quả cao và ngược lại ICOR càng cao chứng tỏ đầu tư càng đắt.
 
Với Việt Nam, theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2011-2015, ICOR trung bình của Việt Nam là 6,3, đến giai đoạn 2016-2019 là 6,1%. Tức là để đạt được một đơn vị tăng trưởng, Việt Nam phải bỏ ra hơn 6 đơn vị vốn đầu tư.  
 
Việt Nam có dư địa tài khóa lớn giúp hỗ trợ tăng trưởng thông qua đầu tư công
Quay trở lại câu chuyện đầu tư công của Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam cần một công cụ mạnh tác động đến nền kinh tế nhiều hơn là các chính sách cắt giảm thuế như năm 2022, đầu tư công được kỳ vọng là động lực chính cho 2023.
 
Cần phải nhắc lại 2023 là một năm đặc biệt với nền kinh tế khi chính sách tài khóa được đánh giá là cao nhất trong lịch sử với 792.000 tỷ đồng (bao gồm cả đầu tư công từ gói kích thích kinh tế). Nếu không tính gói này, tổng số tiền dành cho kế hoạch đầu tư công năm nay vẫn cao kỷ lục - trên 700.000 tỷ đồng. 
 
 
Nhận định về động lực này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhấn mạnh Việt Nam có dư địa tài khóa lớn giúp hỗ trợ tăng trưởng thông qua đầu tư công, đặc biệt năm 2023 là năm trọng điểm để thực hiện hiệu quả gói kích thích kinh tế. Điểm đáng chú ý nhất là khởi công 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2. Ngày 1/1/2023, 12/25 gói thầu đầu tiên của dự án này đã được khởi công xây dựng. 13 gói thầu còn lại cũng đã lựa chọn xong nhà thầu và sẽ sớm được thi công.
 
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng năm 2023 Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn để giải ngân số vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay.
 
"Năm nay, Việt Nam sẽ không gặp phải tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng quá cao như năm 2022 khiến doanh nghiệp nhận thầu không dám thi công vì giá quá cao so vơi giá dự toán. Với sự vào cuộc rất sớm của Chính phủ ngay từ đầu năm 2023, dự báo giải ngân đầu tư công năm nay có thể đạt 95%, trở thành nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", ông nói.
Cũng lạc quan về giải ngân đầu tư công năm nay, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho rằng giải ngân 70-80% vốn đầu tư công là hoàn toàn khả thi. 
 
Theo ông. yếu tố thuận lợi đầu tiên là giá hàng hóa, đặc biệt là giá thép từng tăng mạnh năm 2021, 2022 làm cho đầu tư công trở nên khó khăn thì hiện đã giảm dưới mức của hai năm đó. Đây là tiền đề để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công khi mà giá thép chiếm trọng số lớn trong chi phí xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng.
 
Một số thuận lợi khác phải kể đến việc thay đổi chính sách đấu thầu hay chính sách cung cấp nguyên vật liệu xây dựng. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong triển khai các dự án. 
 
“Như vậy năm nay có thể giải ngân khoảng 80% vốn đầu tư công, tương đương khoảng 560.000 tỷ đồng”, ông Báu dự báo.
 
Thận trọng với dự báo, các chuyên gia của SSI Research cho rằng cần lưu ý các  vấn đề liên quan đến chậm giải ngân vẫn chưa được giải quyết.
"Câu chuyện đẩy mạnh đầu tư công vẫn luôn là chất xúc tác cho thị trường trong vài năm nay, tuy nhiên mức độ giải ngân thực tế là khá chậm so với kế hoạch. Vẫn còn khoảng 15 tỷ USD cho giai đoạn 2022-2023 vẫn chưa được giải ngân", các chuyên gia tại đây lưu ý.
 
Đồng quan điểm, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) coi đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những yếu tố quyết định. "Tăng trưởng kinh tế 2023 phụ thuộc tốc độ giải ngân đầu tư công và khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ", khối phân tích cho biết. 
 
Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán 2023, FiinGroup cũng cho rằng giải ngân đầu tư công là một trong những yếu tố cần theo dõi. Các chuyên gia tại đây nhấn mạnh kỳ vọng đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công giúp tháo gỡ “nút thắt” về vốn trong nền kinh tế.
 
Theo FiinGroup, việc cho phép Bộ GTVT được chỉ định thầu xây lắp tại 12 dự án cao tốc lớn cho thấy quyết tâm của Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhưng cần lưu ý đến tiến độ giải phóng mặt bằng tại các dự án này để có thể đánh giá thực tế giải ngân.      

 

Bài viết cùng chuyên mục
.
Top